A3634

ÂM THANH TRONG PHIM VIỆT NAM

Ba bản remix của Lý Trang, Long Trần và Merv Espina

 

Trực tuyến từ 16.03 đến 03.04

Từ băng âm thanh của một số bộ phim Việt Nam, ba nghệ sĩ thực hiện các bản remix riêng biệt, mang tới một cảm quan mới về âm thanh điện ảnh và những khả năng kiến tạo của nó. Không gian tự sự nhiều cảm xúc nhiều câu hỏi của Lý Trang. Một giao diện plunderphonic pop sống động chuyển dịch liên tục bất ngờ của Long Trần. Ra ngoài đô thị, Merv Espina tạo một môi sinh vùng rừng nhiệt đới thời chiến tràn ngập tiếng chim chóc, sâu bọ, suối sông.

LỊCH RA MẮT

16.03: Long Trần
21.03: Lý Trang
26.03: Merv Espina

(Ảnh banner: hình từ phim Hát Giữa Chiều Mưa)

PHONG CẢNH HUYỀN ẢO (Merv Espina)

Phong Cảnh Huyền Ảo tưởng tượng một thực tại hậu điện ảnh từ góc nhìn của thế giới tự nhiên, một dàn cảnh/mise-en-scene thoát ly khỏi các hệ tư tưởng và mưu kế của các nền văn minh. Tác phẩm là sự tập hợp của những âm thanh lấy từ khoảng không gian giữa âm nhạc và lời thoại trong những bộ phim chiến tranh Việt Nam trước Đổi Mới năm 1986. Với sự kết hợp của các hiệu ứng âm thanh và các bản ghi âm trực tiếp tại hiện trường, độ trung thực của những âm thanh và những gì chúng đại diện, lơ lửng như những bóng ma: khả năng tồn tại vượt thời gian và màn ảnh của những cảnh quan ảo.

*

Với phần âm nhạc, lời thoại và âm thanh từ các phim:
(theo thứ tự xuất hiện trong tác phẩm)

Đường Về Quê Mẹ (Bùi Đình Hạc, 1971)
Vùng Trời (Huy Thành, 1975)
Cô Gái Và Anh Lái Xe (Nông Ích Đạt, 1976)
Sao Tháng 8 (Trần Đắc, 1976)
Cuộc Chiến Đấu Vẫn Tiếp Diễn (Nguyễn Khắc Lợi, 1969)
Cách Sống Của Tôi (Nguyễn Đỗ Ngọc & Quốc Long, 1978)
Từ Một Cánh Rừng (Đức Hoàn, 1978)
Khoảnh Khắc Yên Lặng Của Chiến Tranh (Vũ Phạm Từ, 1983)

Mastering: Vương Thiện

*

Merv Espina là một nghệ sĩ và nhà nghiên cứu với sự quan tâm và mày mò đặc biệt đến những sai sót của lịch sử và lỗ hổng trong các thể chế. Những khám phá của anh được cụ thể hóa dưới nhiều dạng thức: từ những cửa hàng dạng ‘concept store’, các loại nước hoa, karaoke trong rừng, băng cassette, radio ‘ngoài luồng’ và các cuốn truyện tranh, những buổi trình chiếu phim hay các công việc liên quan đến chính sách lưu trữ. Ngoài những dự án độc lập, một số dự án của anh cũng xuất hiện một cách kỳ lạ ở những sự kiện nghệ thuật đương đại quốc tế như Jakarta Biennale 2015 hay Yokohama Triennale 2020.

THỜI GIAN VÔ ÍCH VẪN TRÔI QUA (Lý Trang)

https://soundcloud.com/user-223884402/thoi-gian-vo-dung-van-troi-qua-useless-time-still-passes-ly-trang

Bản dệt âm thanh của những giai điệu xưa cũ, những cuộc hội thoại quá khứ va chạm hiện tại, khoảng lặng và giọng ngân vọng trùng điệp tựa một tự sự điện ảnh nơi những nhân vật tìm cách tồn tại trong âm vang của kí ức. Mở đầu bằng những âm sắc rực rỡ dày đặc, hoà lẫn với tiếng tàu hoả, tiếng trẻ con chơi đùa trên khoảng sân đầy nắng và tiếng piano lẩn khuất, không gian nhanh chóng về một khoảng tĩnh để mở ra mạch dẫn dắt với trò chuyện giữa cô con gái và người bố mới trở về từ chiến trường. Những giọng tâm tình, những âm thanh cơ nhỡ, rải rác gợi hình, người nghe ở giữa sự bối rối của quyến luyến và mong muốn chạy trốn.

*

Với phần âm nhạc, lời thoại và âm thanh từ các phim:
(theo thứ tự xuất hiện trong tác phẩm)

Em Bé Hà Nội (Hải Ninh, 1974)
Ngõ Hẹp (Bạch Diệp, 1988)
Chuyến Xe Bão Táp (Trần Vũ, 1977)
Cách Sống Của Tôi (Nguyễn Đỗ Ngọc, 1978)
Đêm Hội Long Trì (Hải Ninh, 1989)
Hà Nội Mùa Chim Làm Tổ (Đức Hoàn, 1981)
Phóng Sự Điều Tra Trên Đường Phố (Trần Thế Dân, 1982)
Những Người Đã Gặp (Trần Vũ, 1979)
Tướng Về Hưu (Nguyễn Khắc Lợi, 1988)
Tiền Ơi! (Trần Vũ & Nguyễn Hữu Luyện, 1989)
Cô Gái Và Anh Lái Xe (Nông Ích Đạt, 1976)
Hát Giữa Chiều Mưa (Tất Bình & Trần Phương, 1990)
Gầm Cầu Mặt Nước (Nguyễn Sỹ Chung, 2004)
Sau Đêm Biểu Diễn (Vũ Trụ, 1982)

Mastering: Vương Thiện

*

Lý Trang là một người sáng tác nhạc và nghệ sĩ âm thanh Việt Nam. Tác phẩm của cô khám phá sự uyển chuyển giữa các biểu đạt nghệ thuật cũng như các hướng tiếp cận khác của thực hành sáng tạo. Trang làm việc trong sự kết hợp giữa nhạc cụ, công nghệ và các âm thanh thu tự nhiên hoặc có nguồn gốc từ truyền thống, giàu có về chất liệu và nhận dạng riêng. Một cánh cửa mở ra thế giới của hình ảnh và màu sắc, khởi nguồn từ những thị giác tưởng tượng đóng vai trò như nền tảng văn hóa của cô. Trang đã cộng tác cùng các nghệ sĩ âm thanh, nghệ sĩ thị giác cũng như các nhà làm phim độc lập tại Việt Nam và quốc tế. Cô từng tham gia dự án Bóng Bay Đỏ, Âm Nhạc Cho Phim Hoạt Hình Việt Nam thuộc khuôn khổ Như Trăng Trong Đêm 2020.

TOÀN KHÁNG SINH LOẠI HIẾM (Long Trần)

Sự tái trình hiện và đan cài các yếu tố âm thanh trong phim Việt Nam, thông qua hướng tiếp cận tiêu biểu cho dòng nhạc plunderphonic (sắp xếp các sample từ những bản nhạc có sẵn để tạo nên tác phẩm mới). Nhạc phim và lời thoại được xử lý theo nhiều kỹ thuật: xén cắt, loop, ‘slow and reverb’, tăng tempo, thay đổi cao độ, từ đó đưa lên tiền cảnh những yếu tố ít không hiện diện rõ trong bối cảnh gốc của phim. Những đối thoại trong cơn sốt kiếm tiền thời mở cửa, đi cùng tiếng synth của 20 năm sau; nhạc pop lãng mạn những năm cuối thập niên 1990, được truyền qua bộ lọc shoegaze ấm áp; những đoạn chuyển piano êm đềm dẫn vào các đoạn kèn được nghệ sĩ thêm vào. Không khí của bản mix luân phiên giữa hoài niệm về một quá khứ chưa từng trải qua, và sự siêu thực hỗn loạn của các nhánh văn hóa Internet của thời nay.

*

Với phần âm nhạc, lời thoại và âm thanh từ các phim:
(theo thứ tự xuất hiện trong tác phẩm)

9X (Vũ Châu, 2006)
Tiền Ơi! (Trần Vũ & Nguyễn Hữu Luyện, 1989)
Chuyến Xe Bão Táp (Trần Vũ, 1977)
Tướng Về Hưu (Nguyễn Khắc Lợi, 1988)
Ngõ Hẹp (Bạch Diệp, 1988)
Chiến Dịch Trái Tim Bên Phải (Đào Duy Phúc, 2005)
Hát Giữa Chiều Mưa (Tất Bình & Trần Phương, 1990)
Em Bé Hà Nội (Hải Ninh, 1974)

Mastering: Vương Thiện

*

Long Trần là một producer/nghệ sĩ trẻ đến từ Hà Nội, là đồng sáng lập và thành viên các dự án âm nhạc Pilgrim Raid và Mona Evie. Lấy cảm hứng từ các nghệ sĩ như Flying Lotus và The Avalanches, Long tập trung vào sự biến thể và cắt ghép của âm thanh cùng tinh thần DIY/home recording. Qua các dự án, Long Trần thử nghiệm với hip-hop, pop, dance, R&B, rock, neo-psychedelia. Hai album gần nhất Long tham gia là Chó Ngồi Đáy Giếng (2022) của Mona Evie, và Anna Agenda (2021) của Pilgrim Raid (cùng Vương Thiện).