TÔI QUÊN RỒI!
Eduardo Williams, 2014, 28’
Trèo lên, bật nhảy nào, những cánh đồng mướt mát, bốn bức tường ảm đạm. Chúng ta ai nấy đều nhỏ bé. Cảm giác như các lỗ chân lông tôi nở ra toang hoác.
(Bộ phim đã dừng chiếu online)
Eduardo Williams sinh năm 1987 tại Argentina. Anh theo học trường Universdad del Cine tại Buenos Aires và Fresnoy, CH Pháp. Các phim ngắn đã thực hiện: Pude Ver Un Puma (20110, That I’m Falling? (2013), Tôi Quên Rồi! (2014), Parsi (2018), No Es (2019). Phim dài đầu tay The Human Surge của Eduardo đạt giải Golden Leopard – Filmmakers of the Present tại Liên hoan phim quốc tế Locarno 2016.
FALSE BRILLANTE
Đỗ Văn Hoàng, 2016, 22’
Chàng trai si tình muốn trở thành cây. Anh ta tìm nước. Anh ta tìm một chỗ đứng. Anh ta tìm thấy một bản dạng khác của mình.
(Bộ phim đã dừng chiếu online)
Nhịp 1 gồm hai bộ phim tinh quái mà hiệu quả khám phá địa đồ huyễn tưởng và hài hước đến phi lý của Hà Nội đang chuyển mình. Eduardo Williams và Đỗ Văn Hoàng bày ra những tình huống, hay “quỹ tích”, cho diễn viên của mình rồi đưa họ vào cảnh. Cảnh phim thường là những địa điểm thực trong thành phố mà đa phần mọi người có thể tiếp cận nhưng chỉ số ít thật sự tìm đến. Chỉ tồn tại trong thời gian hữu hạn, những không gian này cho phép xoá nhoà ranh giới giữa cái thực và cái tưởng tượng cũng như cho phép dàn dựng các diễn dịch mang tính gián đoạn.
Các vận động viên parkour trong bộ phim Tôi Quên Rồi! tung hoành khắp những ngôi nhà bỏ hoang ở Thiên Đường Bảo Sơn, một khu bất động sản kiêm tổ hợp công viên giải trí rộng lớn nằm về phía Tây Nam thành phố. Các cô cậu bé thiếu niên nhận ra nét tương thích giữa môn thể thao họ theo đuổi và địa thế nhân tạo nơi đây. Sử dụng khu vực này như sân tập parkour, họ cho thấy năng lực làm chủ thứ tri thức mật về những luồng chuyển động và cung đường sẵn có giữa khu nhà xây dang dở – những khả thể chỉ tồn tại trong khoảnh khắc đệm ngay trước khi các ngôi nhà trở thành các mái ấm. Bộ phim, nương dựa vào khả năng ứng biến của các nhân vật thực không phải diễn viên, đón bắt cách họ sử dụng ngôn ngữ, gồm cả những từ lóng, lối nói hay tông điệu riêng tạo nên một “kịch bản” tự nhiên được bộ phim mượn dùng, như cách các bạn trẻ mượn dùng các toà nhà trống.
False Brillante cũng được ghi hình trong một khoảnh khắc “liền trước” như vậy: các diễn viên của Hoàng được đưa xuống đường khi đêm muộn ngả sáng. Ta biết đó là giờ khuya bởi mọi cửa hiệu đều đã đóng. Như những ngôi nhà huơ hoác cận đô, dãy phố kín những hàng quán đã hạ cửa tạo ra một dạng không gian ngưỡng. Dù bộ phim còn được quay ở những không gian khác, tính lửng lơ vẫn chiếm trọng tâm. Các hành động diễn ra vô nghĩa nhưng chính bởi được dàn dựng tại các không gian thực, sử dụng đồ đạc thực làm đạo cụ, tính phi lý của chúng bắt khít vào một mạng lưới ý nghĩa phổ biến, hiển nhiên, mà chính chúng cắt ngang. Đáng chú ý làm sao những chi tiết như cách bộ phim đem công năng và theo đó là ý nghĩa của một đống gạch hoá thành bất định. Bộ phim hơi loạn một chút, nhưng cách nó không ngần ngại vươn tới những thôi thúc sáng tạo sau cùng lại giải phóng và để lại dư vị nhẹ nhàng cho người xem.
– Nguyễn Đình Tôn Nữ