PHONG CẢNH HÀ NỘI & ĐƯỜNG BƯỞI: Hai phim tài liệu

19:00 – 18.03.2022

L’Espace – 24 Tràng Tiền, Hà Nội

ĐĂNG KÝ

Buổi chiếu giới thiệu hai bộ phim tài liệu được quay cách nhau khoảng 60 năm tại Hà Nội. Phim Phong Cảnh Hà Nội của hai đạo diễn Bùi Đình Hạc và Nguyễn Đăng Bẩy thực hiện năm 1958. Phim Đường Bưởi của hai đạo diễn Trần Phương Thảo và Swann Dubus, quay từ năm 2016 tới 2018.
 
Cự li nào để ghi hình thành phố? Cảnh quan và con người? Hà Nội của Bùi Đình Hạc và Nguyễn Đăng Bẩy là một lời hẹn, Hà Nội sau sự kiện Điện Biên Phủ. Dưới “bầu trời của tự do” như được viết trong lời bình, những cảnh toàn các thắng cảnh thủ đô lần lượt hiện ra tựa các bưu thiếp. Đấy là một thế giới hài hoà, giữa thiên nhiên, các di sản trước và nay. Trong tầm nhìn từ xa, ở những tỉ lệ nhỏ, con người ăn vận duyên dáng, lao động và vui chơi hân hoan. Hy vọng là một lựa chọn rõ ràng. Một cảm giác về tương lai từ sự thoáng đãng, nhiều khoảng hở.
 
Gần 60 năm sau, phim đen trắng đã chuyển phim màu. Trong Đường Bưởi, tương lai cũng từ những lỗ hổng. Và các chỗ hổng này, chúng có mặt để một công trình mới được dựng lên. Chúng là sự đổ xuống của những ngôi nhà. Một bề mặt đô thị dày vô tận, thủng để lại đầy. Trong sự tái thiết lập ấy là thế giới của những người phá dỡ và dọn phế liệu đến từ phương xa. Bàn tay lao động và xà bần.
 
Trong phim Giấc Mơ Là Công Nhân của Trần Phương Thảo làm năm 2006 có một tình huống trò chuyện thân mật: một nữ công nhân vùng ngoại vi, dạy cho nhà làm phim tài liệu đang làm bộ phim đầu tay của mình, như thế nào là làm phim*. Trong Đường Bưởi, bằng những cảnh thường nhật, những cô đồng nát, các anh phu dỡ nhà đã làm cho nhà làm phim hiểu, thế nào là sống trong thành phố này.
 
Máy quay của người làm phim sau 10 năm kinh nghiệm, giờ không phải sự xông xáo của một cự li rút ngắn. Mối quan hệ với nhân vật cũng đã khác trước, không vồn vã ngay cả trong cảnh cận. Đấy là máy quay của sự đã biết không thể tham phần thay đổi, mà đi tìm chỗ ở một điểm độ cao không trên, không dưới, không quá gần, không quá xa. Một thế giới tối, vật liệu bao vây. Nhưng cái khắc nghiệt không vì thế mà triệt tiêu được sự dịu dàng và hài hước. Đấy là cách mà những con người trong phim tồn tại bên nhau trong sự sụp xuống này.
 
Trước khi vào tiếng ồn thường trực của Đường Bưởi, Phong Cảnh Hà Nội được trình chiếu trong hiện trạng đang được lưu trữ: không có âm thanh. Quá khứ bây giờ không nói, nó chỉ cho ta thấy. Nó là như vậy. Đủ vì thiếu. Giữa một hiện tại thiếu vì thừa. Trong Đường Bưởi, cũng có một lời hẹn. Công trình mới sẽ là một cây cầu vượt. Cũng chính vì nó mà đã có cả một bộ phim.
 
– Trương Quế Chi
 
* Nếu như dòng phim tài liệu Việt Nam có những bước ngoặt, thì đây là một bước ngoặt.
** Chùm phim là mối nối với buổi trình chiếu hai tác phẩm điện ảnh của chương trình NHƯ TRĂNG TRONG ĐÊM 1&2: phim tài liệu Tháng Năm, Những Gương Mặt (1975) của đạo diễn Đặng Nhật Minh và phim truyện Chung Cư(1999) của đạo diễn Việt Linh.

NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH

18:30 – Đón khách
19:00 – Chiếu phim
20:30 – Trò chuyện với đạo diễn Trần Phương Thảo; điều phối: nghệ sĩ/giám tuyển Nguyễn Quốc Thành
 
* Phim chiếu kèm phụ đề tiếng Anh
* Bản phim Phong Cảnh Hà Nội của Xưởng Phim Việt Nam được Viện Phim số hoá và cung cấp. Bản phim trình chiếu là bản phim không âm thanh, theo đúng hiện trạng đang được lưu trữ.
 
 
PHONG CẢNH HÀ NỘI, phim tài liệu đen trắng, 1958, 13’42
Đạo diễn: Bùi Đình Hạc, Nguyễn Đăng Bẩy
Kịch bản: Bùi Đình Hạc
Quay phim: Nguyễn Đăng Bẩy, Nguyễn Ngọc Quỳnh, Nguyễn Khánh Dư
Âm nhạc: Nguyễn Đình Phúc
Thu thanh: Mai Thế Hồng
 
 
ĐƯỜNG BƯỞI, phim tài liệu màu, 2019, 76’
Đạo diễn: Trần Phương Thảo, Swann Dubus
Quay phim: Swann Dubus
Âm thanh: Trần Phương Thảo
Biên tập âm thanh: Arnaud Soulier, Hoàng Thu Thủy
Dựng phim: Christine Bouteiller
Âm nhạc: Đàm Quang Minh

VỀ CÁC ĐẠO DIỄN

Đạo diễn BÙI ĐÌNH HẠC sinh năm 1934 tại Phú Thọ. Ông theo học ngành đạo diễn tại trường VGIK, Đại học Điện ảnh Quốc gia Liên Xô. Bùi Đình Hạc có đóng góp quan trọng cho điện ảnh Việt Nam miền Bắc với nhiều tác phẩm đa dạng về thể loại, giành được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. Bộ phim Nước Về Bắc Hưng Hải ông thực hiện năm 1959, giành Huy chương vàng tại Liên hoan phim quốc tế Moskva lần thứ 1, được ghi nhận là tác phẩm đầu tiên của điện ảnh Việt Nam giành giải thưởng quốc tế. Ông từng tham gia quá trình thực hiện phim Vĩ Tuyến 17, Cuộc Chiến Nhân Dân của hai vợ chồng đạo diễn Joris Ivens và Marceline Loridan-Ivens vào năm 1967. Một số phim tài liệu tiêu biểu: Anh Nguyễn Văn Trỗi Sống Mãi (1970); Sài Gòn, Tháng 5 Năm 1975 (1975); Bài Ca Dâng Bác (1976); Nguyễn Ái Quốc Đến Với Lênin (1979); Đường Về Tổ Quốc (1980); Hồ Chí Minh – Chân Dung Một Con Người (1990). Các phim truyện đã thực hiện: Nguyễn Văn Trỗi (1966); Đường Về Quê Mẹ (1971); Hoa Thiên Lý (1973); Hà Nội 12 Ngày Đêm (2002). Phong Cảnh Hà Nội, thực hiện năm 1958, là bộ phim tài liệu đầu tay của đạo diễn Bùi Đình Hạc.
 
NGUYỄN ĐĂNG BẨY (1923 – 2007) là nhà quay phim gạo cội của điện ảnh Việt Nam. Ông là người cầm máy của gần 30 phim truyện, trong đó có những tác phẩm kinh điển của đạo diễn Trần Vũ như Con Chim Vành Khuyên(1961), Đến Hẹn Lại Lên(1974), Chuyến Xe Bão Táp(1978) hay phim của các đạo diễn khác như Nổi Gió (1966), Không Nơi Ẩn Nấp (1971), Ngày Lễ Thánh(1976). Từ việc bắt đầu là một người công tác trong tổ phóng viên nhiếp ảnh tuyên truyền kháng chiến, chiếc máy quay đầu tiên là một chiến lợi phẩm, Nguyễn Đăng Bẩy đã thực hiện nhiều phóng sự, thời sự và phim tài liệu khi được giao các nhiệm vụ chính trị qua nhiều thời kỳ.
 
Đạo diễn TRẦN PHƯƠNG THẢO sinh năm 1977, là một một nhà làm phim tài liệu độc lập tại Việt Nam. Cô tốt nghiệp Đại học Ngoại thương, sau đó theo học về phim tài liệu tại Đại học Poitiers, CH Pháp. Trần Phương Thảo là một trong những gương mặt quan trọng của Varan Việt Nam, thuộc mạng lưới Ateliers Varan – tổ chức đào tạo phim tài liệu có trụ sở chính tại Paris được thành lập với sự khởi xướng của nhà dân tộc học, nhà làm phim tài liệu Jean Rouch. Phương Thảo đã thực hiện bộ phim đầu tay Giấc Mơ Là Công Nhân năm 2006 và được ghi nhận tại nhiều liên hoan phim quốc tế. Kể từ đó, cùng với Swann Dubus, hai người đã thực hiện các bộ phim đi theo những con người, những câu chuyện của Việt Nam đương đại. Hiện nay, Trần Phương Thảo phụ trách cùng các đồng nghiệp những trại sáng tác của Varan Việt Nam dành cho các nhà làm phim trẻ. Một số phim đã thực hiện: Giấc Mơ Công Nhân (2006, học bổng Pierre and Yolande Perrault tại Liên hoan phim Cinéma du Réel năm 2007); Trong Hay Ngoài Tay Em (2011, giải White Goose trong Liên hoan phim tài liệu quốc tế DMZ tại Hàn Quốc năm 2012); Đi Tìm Phong (2015, giải Nanook Grand Prix tại LHP Jean Rouch năm 2015); Đường Bưởi (2019).
 
Đạo diễn SWANN DUBUS sinh năm 1977 tại Argenteuil, CH Pháp. Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ về văn học, ông lấy bằng tiến sĩ điện ảnh tại Đại học Paris III-Sorbonne Nouvelle. Kể từ năm 2000, Swann là tác giả, đạo diễn, quay phim, biên tập và nhà sản xuất phim tài liệu ở Châu Âu, Châu Phi và Châu Á. Ông định cư tại Việt Nam từ năm 2007 và cộng tác với đạo diễn Trần Phương Thảo thực hiện nhiều bộ phim. Một số tác phẩm của Swann Dubus: 1970 – 1989 (2000); Thư Cho L Và Cho Tất Cả Họ (2002); L.City (2006); Trong Hay Ngoài Tay Em (2011); Đường Bưởi (2019).

VỀ NGƯỜI ĐIỀU PHỐI

NGUYỄN QUỐC THÀNH là nghệ sĩ và giám tuyển làm việc tại Hà Nội, thành viên đồng sáng lập Nhà Sàn Collective. Năm 2013, Thành sáng lập Queer Forever!, liên hoan nghệ thuật queer, sau trở thành một dự án tiếp diễn với rạp chiếu bóng tạm thời, workshop làm sách và zine, bếp, chốn tụ tập, nơi nghe và ngắm, làm nghệ thuật và yêu đương. Từ 2019 tới 2021, Thành thực hiện dự án Vườn Lài Xứ sở Diệu kỳ tại Hà Nội, Huế, TP Hồ Chí Minh, tìm hiểu và làm ấn phẩm về điện ảnh queer Việt Nam.