ĐIỆU NHẢY TRÊN NÓC TI-VI

Phạm Ngọc Lân, 2012, 3’

Một chuyện kỳ lạ về chiếc màn hình vô tuyến cũ bị kéo lê xung quanh một căn nhà cổ kiểu Pháp, khi đang chiếu những cảnh ‘đập vỡ ti-vi’ trên Youtube.
 
(Bộ phim đã dừng chiếu online)
 

Phạm Ngọc Lân sinh ra ở Hà Nội và lớn lên cũng ở Hà Nội, hiếm khi rời bỏ thành phố của mình (cả trong thực tế và tưởng tượng) cho tới khi bước chân qua ngưỡng cửa đại học. Lân tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành quy hoạch đô thị và tự học làm phim năm 26 tuổi, các tác phẩm của anh được trình chiếu ở một số bảo tàng và liên hoan phim quan trọng.

NGÕ NGHỆ SĨ

Nguyễn Ngọc Thảo Ly, 2019, 23′

Một cặp vợ chồng diễn viên tuồng lớn tuổi cùng nhau diễn lại những cảnh tích xưa. Nhưng vở diễn bị gián đoạn giữa chừng nhiều lần, vì nhớ nhớ quên quên.
 
(Bộ phim đã dừng chiếu online)
 
Nguyễn Ngọc Thảo Ly là một nhà làm phim trẻ tại Hà Nội. Cô từng theo học các chương trình đào tạo điện ảnh tại Trung tâm TPD, Hanoi Doclab và Varan Vietnam. Các tác phẩm thực hiện: Rito rito (2016), Nude (2019), Ngõ Nghệ Sĩ (2019), Sáng-Chiều-Cuối Tháng (2019), Giữa Dòng Phù Sa (2020). Ngõ Nghệ Sĩ đã nhận giải Búp sen vàng của trung tâm TPD cho phim tài liệu xuất sắc nhất năm 2019.
 
 

Hai phim trong Nhịp 2 tuy không dài nhưng giàu ý vị đến khó tin. Ngõ Nghệ Sĩ và Điệu Nhảy Trên Nóc Ti Vi cùng mời gọi người xem chú ý tới tiềm năng lật đổ của thao tác dàn dựng. Trong phim Lân, các đặc tính của cái thực được chất vấn và ngẫm lại trong những bối cảnh bất ngờ. Phim của Ly khám phá miền giao giữa huyền sử dân tộc và một đời đeo đuổi nghệ thuật, lần dò cách mà hình thức ‘diễn trò’ này nuôi dưỡng và bảo chứng ‘trò diễn’ khác.

Từ góc độ ý niệm, Điệu Nhảy khá thẳng: chiếc TV cồng kềnh chiếu chuỗi video gồm hàng loạt cảnh màn hình bị đập bể được Lân đặt tại viện Goethe, vốn không phải nơi dễ bắt gặp một vật như vậy. Con người, xuất hiện lác đác, dường như hoặc tảng lờ hoặc chấp nhận tình huống kỳ quặc này. Một phép nghịch đảo lạ lùng xảy ra qua thao tác ghi hình vị trí đặt vật thể nghệ thuật, ở đây là màn hình video, trong một khung cảnh đời thực: cái thực và cái nhân tạo được dàn phẳng và trích xuất dưới dạng một kênh hình đơn trong khi đường tiếng đến từ các video đang trình chiếu thay vì từ môi trường nơi bố trí màn hình, gợi ý rằng hành động trong khung hình “thực” hơn quá trình tư liệu những gì diễn ra ngoài khung ấy. m thanh được đẩy lên tiền cảnh với vai trò kênh dẫn qua đó một ‘hiện thực’ trên hình choán chỗ một ‘hiện thực’ trên hình khác.

Sức mạnh của âm thanh trong việc đặt nền móng cho ‘hiện thực’ cũng như quyết định tông điệu, độ sâu và mức độ tương tác cũng là một khía cạnh cốt yếu của sân khấu. Trong Ngõ Nghệ Sĩ, đôi vợ chồng diễn viên Tuồng về hưu, ông Lê Quang Mùi 90 tuổi và bà Đinh Lan 79 tuổi, tranh cãi kịch liệt về cách dàn cảnh này cảnh kia trong một tích Tuồng kinh điển. Đinh Lan, trong phút nóng giận, lập tức “diễn xướng” sự bực bội của mình; phản ứng ậm ừ của người chồng mở lối cho hờn trách của bà vang lên trầm bổng. Không gian ngôi nhà – bếp, phòng khách, phòng ngủ – cùng lúc đóng vai sân khấu và hậu trường vở diễn. Cuộc sống của hai người hoà lẫn với môn nghệ thuật đời họ; bộ phim phần nào tư liệu lại nơi chốn của ông bà trong khu dân cư, trong cộng đồng: tại Ngõ Nghệ sĩ, nơi các nghệ sĩ sinh sống. Đinh Lan tự hào mình có thể biểu diễn dù ở bất cứ nơi đâu, bà tin đây là phẩm chất chân yếu đằng sau danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”. Thực hành của bà níu giữ một kiến giải giàu hy vọng về ý hệ.

– Nguyễn Đình Tôn Nữ