Đây Là Phố Sinh Từ, chùm phim của Đỗ Văn Hoàng, 2022

“Phố này là phố Sinh Từ, nghe gần giống với phố Sinh Tử…”. Trong hơn một năm thành phố dịch bệnh, nhà làm phim tự ghi hình, dựng và hoàn thiện các tác phẩm một mình tại ngôi nhà đang ở. Quay phim như là cách để sống.

(Các phim đã dừng chiếu online)

Ghi chú từ NTTĐ: Không gian của Nhịp 4 và Nhịp 5 là một căn nhà trên phố Nguyễn Khuyến, Hà Nội. Đây cũng từng là nơi lưu trú, nơi ghi hình vài cảnh của đạo diễn Síu Phạm trong thời gian chuẩn bị và thực hiện bộ phim Vào Đời.

Căn phòng

Trước cửa

Tầng 1 & 2

Tầng 2 & 3

 

Tầng 4

Đỗ Văn Hoàng sinh năm 1987 tại Hải Phòng. Anh theo học Biên kịch ở ĐH Sân Khấu Điện Ảnh Hà Nội. Trong hơn 10 năm qua, anh đã thực hiện các bộ phim ở nhiều thể loại khác nhau: Phía Dưới Móng Nhà (2010), Đảo Ngọc (2010), Một Bộ Phim Trên Ghế Sofa (2012), Tôi Muốn Rao Lên (2015), False Brillante (2015), Sương Lặn (hợp tác với Art Labor Collective, 2017), Ngủ Rồi Ngắm (2018), Đồng Phục Đàn Ông (2020), Thử Việc (2022). Các tác phẩm của Hoàng từng trình chiếu tại Hanoi Docfest, Yamagata Film Festival, Centre Pompidou, Times Museum.

Trong phim Tầng 4 của Đỗ Văn Hoàng, lời của nhà làm phim có câu “Phố này là phố Sinh Từ. Nghe gần giống với phố Sinh Tử. Cậu muốn xuống chơi à? Không được đâu. […] vì đang dịch.”

Các bộ phim trong nhịp này được quay tại và từ một căn nhà Nguyễn Khuyến. Nhịp bốn bao gồm 5 phim ngắn của Đỗ Văn Hoàng, ghi hình trong đợt giãn cách năm 2021 và đầu 2022. Toàn bộ chùm phim có độ dài 64 phút.

Phố Nguyễn Khuyến, từng có tên là phố Sinh Từ, là nơi nhà làm phim sống. Con phố này đã từng xuất hiện trong văn chương và điện ảnh: trong truyện ngắn Ung Thư của Thanh Tâm Tuyền, (mà ta sẽ được nghe một đoạn trích do đạo diễn Đỗ Văn Hoàng đọc trong phim Tầng 2 & 3), trong thơ của Trần Dần, và trong phim Vào Đời của đạo diễn Síu Phạm, cũng được trình chiếu trong khuôn khổ Như Trăng Trong Đêm 2022. Síu Phạm từng lưu trú tại căn nhà này, và cũng chính tại đây, Moi Tran đã dựng và quay vở Hiệu Ứng Bolero, nhịp cuối của This is Not A Love Song.

Tại sao lại là không gian này? Điều gì về căn nhà, và về phố Sinh Từ, khiến đây trở thành nơi thực hành nghệ thuật? Rất nhiều lần đi xe qua Nguyễn Khuyến, tôi chỉ coi như là một con đường tôi đi qua. Phim của Đỗ Văn Hoàng không hề thay đổi việc này. Chùm phim không cố gắng nói rằng thực ra, con phố này là viện bảo tàng, là sân khấu, hay là một tác phẩm nghệ thuật, dù xét theo khía cạnh nhất định, chùm phim là tất cả những điều này, và hơn nữa. Phim tầng 4 của Hoàng còn có tên là Everything That Is So Little. So little, rất nhỏ, ít, không ồn ào – tất cả những thứ như vậy tạo thành bộ phim.

Ngoài phim tầng 4 ra, các bộ phim trong nhịp này không có tên riêng, mà những tên gọi dựa trên nơi chúng được quay. Phim đầu tiên, giờ có tên là Trước Cửa, từng được gọi là “phim đường/ngõ vào”. Trong các bản nháp của mình, tôi gọi đây là phim phơi chăn, hoặc là phim trông xe. Con phố vắng biến thành sân khu tập thể, nơi hàng xóm dựng xe để phơi chăn. Khán giả xem phim, và nhà làm phim, “trông” con phố này và những chiếc xe, những chiếc chăn.

Khi tham gia vào việc “trông” thay vì “xem,” ta hiểu rằng “không có chuyện gì” chính là điều ta mong đợi, là điều “nên thế’. Không có chuyện, không gì diễn ra, ngoài những gì bạn nghe và nhìn thấy. Không gì diễn ra, như trong phim của Chantal Akerman và Thái Minh Lượng. Bộ phim không có tiếng, và nếu bạn xem phim từ nhà thì tiếng của phòng bạn chính là tiếng bộ phim. Tôi trông xe trên phố Sinh Từ khi nghe tiếng ô tô vút qua trên đường cao tốc I-90 và Memorial Drive của thành phố Cambridge, Massachusetts.

Chùm phim cũng ẩn chứa những chiêm nghiệm về khả năng “nở ra” của màn ảnh. Như ở nhịp 2 với phim của Phạm Ngọc Lân, Hoàng quay không gian trình chiếu, nhưng thay vì chiếu video trên TV, Hoàng bật phim trên điện thoại. Không gian của anh gần như không có người qua lại. Xuyên suốt phim Tầng 1 & 2, ta nghe và thấy Quế Mỹ Lan khóc trên màn hình điện thoại đặt trên tripod. Sự xuất hiện của cô ma mị, gợi nhớ đến Sadako, nhưng không hề đem lại cảm giác đáng sợ, nguy hiểm. Ngoài trông cô ấy khóc, ta cũng lại tiếp tục trông phố, trông những người mặc đồ bảo hộ ngồi trên vỉa hè; bộ phim di chuyển giữa hai không gian này. Khi tiếng khóc rõ ràng hơn, âm thanh ngoài phố trở nên yên lặng dần rồi tắt hẳn. Bộ phim kết ở tĩnh vật, rất lâu.

Trong phim tiếp theo, Hoàng tập thể dục, ngồi lặng yên, và đọc một đoạn trích trong truyện ngắn Ung Thư của Thanh Tâm Tuyền. Không rõ là nơi anh đang ngồi thường được dùng cho việc gì. Ban đầu, Hoàng chắn ngang không gian bằng một khung toan và bắt đầu đọc. Một lúc sau, lý do khiến anh phải làm vậy xuất hiện, lật đổ khung toan, bước vào không gian của anh và bắt đầu nhai một cách không ý tứ. Dù thế, khung hình và giọng đọc của Hoàng không hề mất đi sự chặt chẽ đã được sắp đặt sẵn.

Phim Căn Phòng treo lửng lơ bên cạnh ngôi nhà. “Ở Nhật mà lại sống theo giờ Việt Nam,” Hoàng nói với bạn mình qua điện thoại. Bộ phim tư liệu cuộc gọi giữa Hoàng và một người bạn vừa mắc COVID, về cuộc sống của cô ấy ở bên Nhật, về Hiroshima Mon Amour*, những căn nhà, và cửa sổ. Hình ảnh Hoàng ngồi bên bàn làm việc thường xuyên bị ngắt bởi hình ảnh một game đồ hoạ đơn giản: một người mặc áo đỏ chạy trốn một đoàn người mặc suit đen ở một nơi trông giống như là Shibuya Crossing ở Tokyo, nhìn từ trên cao xuống.

Một cảnh trong phim tầng 4, còn có tên là Everything That Is So Little, nhà làm phim cũng quay từ trên cao nhìn xuống. “Mắt cậu kém quá,” nhân vật chính, người cầm máy, nói với máy quay, hoặc với một nhân vật tưởng tượng đặt ở vị trí của máy quay, thậm chí là nói với khán giả. Máy quay không lưu lại được chi tiết của quang cảnh ban đêm ngoài ban công của Hoàng, ngoại trừ những quầng sáng thưa thớt lọt vào ống kính khi anh đưa máy đi xung quanh. Khung cảnh tranh tối tranh sáng gợi lên liên tưởng về miền kí ức, về bóng tối nguyên thuỷ, nơi bao trùm bởi nước, nơi từ đó những bóng hình mập mờ chìm nổi xuất hiện, trôi dạt lênh đênh.

Bộ năm phim trong chùm phim quay tại căn nhà phố Nguyễn Khuyến của đạo diễn Đỗ Văn Hoàng là một tư liệu quý về Hà Nội trong những ngày giãn cách, và về một căn nhà, một khu phố nơi những người nghệ sĩ lưu trú và thực hành nghệ thuật. Mỗi phim là một điển hình về sự chặt chẽ trong lối làm phim của Đỗ Văn Hoàng, và về khả năng sáng tạo của anh trong không gian và điều kiện có hạn. Nội dung và chất liệu của những bộ phim này là cuộc sống đơn độc của anh ở Hà Nội, cách anh nhìn cuộc sống xung quanh, và thái độ của anh với người và vật. Bằng một cách nhẹ nhàng, tinh nghịch, gợi mở nhưng không hề lỏng lẻo, anh đan những liên tưởng về sự sống, về kí ức, và về điện ảnh vào không gian đời thường.

– Nguyễn Đình Tôn Nữ

*Hiroshima Mon Amour, một phim của Alain Resnais, 1959