KALEID’EAUSCOPE

Nước trong điện ảnh Hà Nội

KALEID’EAUSCOPE

Kaleidoscope (n): kính vạn hoa + D’eau: của nước (tiếng Pháp)

ĐÓN (khởi sinh) – NGẮM (nuôi dưỡng)  – XOAY (phá hủy)

Một quan sát về nước trong điện ảnh gợi mở tới Hà Nội. Khám phá sự biến chuyển và ghi nhận các sắc thái của nước qua lăng kính vạn hoa.

Những khung hình muôn màu muôn vẻ của nước. Nước nuôi dưỡng và chữa lành. Nước lấp lánh niềm vui, nước đẩy đưa tình cảm. Nước len lỏi trong không gian văn hóa, nước gắn bó với sinh hoạt đời thường. Nước trôi nổi cùng cuộc sống mưu sinh, nước ký thác dòng tâm tư suy ngẫm. Nước ôm lấy bi thương và tạo ra bi thương, bằng sức mạnh vô biên tiềm tàng.

Qua các sắc thái này cùng với tác phẩm phim tái chế/found footage được nhóm giám tuyển và đạo diễn trẻ Phạm Đình Thiện thực hiện, dự án mong muốn có cái nhìn cận cảnh hơn về nước – vốn phần lớn chỉ góp mặt với vai trò bối cảnh trong phim – và Hà Nội, vùng bao chứa, vùng liên đới.

Nhóm giám tuyển: Lý Thu Hà, Đỗ Thu Hiền, Vũ Thị Mai Phương, Ngô Xuân Quỳnh

*

Danh sách phim đề cập trong văn bản

Anh Và Em, Trần Vũ & Nguyễn Hữu Luyện, 1986

At Water’s Edge/Đảo Ngọc, Đỗ Văn Hoàng, 2010

Bài Ca Tuổi Trẻ – TamKa PKL (MV), Crazy Gin, 2017

Bi, Đừng Sợ!, Phan Đăng Di, 2010

Cách Sống Của Tôi, Nguyễn Đỗ Ngọc, 1978

Cadavre Exquis/Cái Chết Xinh Đẹp, Stéphanie Lansaque & François Leroy, 2018

Cô Gái Và Anh Lái Xe, Nông Ích Đạt, 1976

Chơi Vơi, Bùi Thạc Chuyên, 2009

Cuốc Xe Đêm, Bùi Thạc Chuyên, 1999

Cuối Tuần – Nguyên Hà & Minh Min (MV), Chu Lê Vi, 2021

Đêm Hà Nội, Trần Bảo, 1980

Đồng Phục, Đỗ Văn Hoàng, 2020

Em Bé Hà Nội, Hải Ninh, 1974

Em Dạo Này – Ngọt (MV), Đỗ Như Trang, 2017

Eyes Open/Mở Mắt, Trần Thanh Hiền, 2010

Fleuve Rouge/Sông Hồng, Stéphanie Lansaque et François Leroy, 2012

Gầm Cầu Mặt Nước, Nguyễn Sỹ Chung, 2004

Hanoise, Vincent Moon, 2013

Hà Nội 12 Ngày Đêm, Bùi Đình Hạc, 2002

Hà Nội, Hà Nội, Bùi Tuấn Dũng & Lý Vĩ, 2006

Hà Nội Mùa Chim Làm Tổ, Đức Hoàn, 1981

Hà Nội Mùa Đông Năm 46, Đặng Nhật Minh, 1997

Hà Nội Trong Mắt Ai, Trần Văn Thủy, 1983

Hát Giữa Chiều Mưa, Tất Bình & Trần Phương, 1990

In A Green Island, Jamie Maxtone-Graham, 2017

Kí Ức Hà Nội #32: Nghĩa Địa Khổng Lồ Dưới Đáy Hồ Tây, Dolphin Media, 2016

Mảnh Trời Riêng, Bạch Diệp, 1983

Mùa Hè Chiều Thẳng Đứng, Trần Anh Hùng, 2000

Nhà Đối Diện, Lê Mỹ Cường, 2015

Nhịp Sống Hài Hòa, Danh Tấn, 1981

Nước Mắt Thời Mở Cửa, Lưu Trọng Ninh, 1996

Phố Cổ Hà Nội, Lâm Quang Ngọc, 1994

Tàn Thể: Tiền Truyện, Đặng Hải Quang (DeeDee Animation Studio), 2019

Tâm Hồn Mẹ, Phạm Nhuệ Giang, 2011

Tết Này Ai Đến Xông Nhà, Trần Lực, 2002

Thành Phố Bên Sông Hồng, Nguyễn Như Vũ, 2006

Thiếu Phụ Chưa Chồng, Vũ Châu, 2001

Tình Yêu Và Khoảng Cách, Đức Hoàn, 1984

Vua Bãi Rác, Đỗ Minh Tuấn, 2002

 

Nước mang trong mình bản năng nuôi dưỡng. Sông, hồ, ao,... đem lại sự sống cho các sinh vật trong lòng nó, xung quanh nó (Tàn Thể: Tiền Truyện). Nước đón nhận và trở thành nơi trú ngụ cho những phần đời lỡ làng, trôi dạt (At Water’s Edge/Đảo Ngọc, Fleuve Rouge/Sông Hồng). Nước xoa dịu và chữa lành mọi vết thương, kể cả cái chết (Cadavre Exquis/Cái Chết Xinh Đẹp).

Do vậy, nước chỉ dấu cho bình yên. Nước hiện diện trong bóng dáng quê hương (Cách Sống Của Tôi, Thiếu Phụ Chưa Chồng), nước dự phần trong những khoảnh khắc êm đềm của đời sống: giấc ngủ trên thảm cỏ ven hồ (In A Green Island), cô gái chèo thuyền hái hoa sen (Đêm Hà Nội), một đám cưới nên thơ trên dòng nước (Vua Bãi Rác). Giữa thành phố náo nhiệt, nước là điểm gặp mặt hiền hòa, lặng yên giúp tâm tình được lắng nghe, vun vén: chiếc cầu bắc ngang sông (Tâm Hồn Mẹ) hay quán nước ven hồ (Anh Và Em). 

Nước hòa quyện cùng dòng chảy văn hóa – lịch sử của thành phố: sự tích rùa thần – Hồ Gươm (Em Bé Hà Nội), những ngôi mộ bí ẩn dưới đáy hồ Tây (Kí Ức Hà Nội #32: Nghĩa Địa Khổng Lồ Dưới Đáy Hồ Tây), máy bay B52 của giặc trong trận Điện Biên Phủ rơi trên hồ sen Ngọc Hà (Hà Nội 12 Ngày Đêm),… Trong những bối cảnh ấy, nước hiện lên có khi “truyền thống”, quen thuộc (Em Bé Hà Nội, Đêm Hà Nội), có khi bí ẩn, bị gác lại, bỏ quên trước sự chảy trôi của thời gian và quá trình đô thị hóa (Kí Ức Hà Nội #32: Nghĩa Địa Khổng Lồ Dưới Đáy Hồ Tây, Phố Cổ Hà Nội). Dù là cách nhìn thứ nhất với vẻ thừa nhận, tự hào, hay cách nhìn thứ hai với ít nhiều hoài niệm, nuối tiếc, cũng đều cho thấy sự gắn bó sâu sắc giữa nước và Hà Nội trên phim.

Mối quan hệ này còn được thể hiện thông qua sự xuất hiện thường xuyên của hệ thống sông hồ mà tiêu biểu là Hồ Gươm với vai trò là chỉ dấu về địa điểm cho thành phố, nhất là trong những cảnh đầu phim (Hà Nội Mùa Chim Làm Tổ, Cách Sống Của Tôi, Mảnh Trời Riêng, Nước Mắt Thời Mở Cửa).

Nước ở sông hồ Hà Nội còn là minh chứng rõ rệt cho sự đô thị hóa của Hà Nội và mặt trái của nó xét trên phương diện môi trường và phát triển bền vững. Những con sông đen ngòm dễ thấy ở nhiều nơi, những mặt hồ xác xơ nước thải cạnh những tòa nhà cao tầng…(Thành Phố Bên Sông Hồng) là một minh chứng rõ ràng cần được chú ý nhiều hơn, bên cạnh vẻ hào nhoáng của tầng lớp thượng lưu và sự hiện đại của thành phố.

 

Nước ẩn chứa, tiềm tàng mối nguy ngoại cảnh như bom mìn còn sót ven sông (Fleuve Rouge/Sông Hồng). Nước tự nó cũng mang tính phá hủy: khi cường độ đủ mạnh, nước trở thành mưa bão to khiến chòi lán bị hỏng (Vua Bãi Rác). Nước còn mang tính sát thương khi kết hợp với những nguyên liệu đặc biệt, như khi quân địch dội nước lên vôi sống để tra tấn anh chiến sĩ trong Nước Mắt Thời Mở Cửa, hay khi nước là rượu khiến cho cô gái say, bất tỉnh và bị cưỡng bức trong Thiếu Phụ Chưa Chồng. 

Đi cùng với nguy hiểm, nước ôm trong lòng những bi thương dữ dội của cả một thế hệ dưới chiến tranh (Fleuve Rouge/Sông Hồng, Hà Nội 12 Ngày Đêm), dưới sức xói mòn, nhấn chìm của thời gian (Kí Ức Hà Nội #32: Nghĩa Địa Khổng Lồ Dưới Đáy Hồ Tây). Nước cũng tô đậm thêm nỗi đau của nhiều mảnh đời riêng, dù là giọt nước mắt than thân cho số phận khó khăn (Tâm Hồn Mẹ), hay giọt nước mắt ân hận, căm ghét chính lỗi lầm bản thân (Hát Giữa Chiều Mưa). Những con sóng cuồn cuộn, những cơn mưa nặng hạt, mặt hồ phẳng lặng, vòi nước chảy không dứt,... như vừa phản chiếu tâm trạng vừa mở ra không gian của những dòng suy ngẫm, của nỗi buồn, nước mắt (Tàn Thể: Tiền Truyện, Nước Mắt Thời Mở Cửa). 

Nước lấp lánh những niềm vui. 

Nước mở ra không gian của những niềm vui chung: tụ tập xem rùa nổi, xem xác máy bay cháy (Hà Nội 12 Ngày Đêm), xem bắn pháo hoa bên hồ Gươm (Tết Này Ai Đến Xông Nhà). Nước cũng tạo nên những niềm vui riêng, từ trẻ nhỏ chơi với tảng đá lạnh buốt nhưng thú vị, đóng băng lưu lại những chiếc lá khô, cho đến người lớn dùng đá giải khát cơn nóng ngày hè hay giải tỏa ham muốn bị kìm nén (Bi, Đừng Sợ!). 

Nước ghi dấu niềm vui của những thời khắc trọng đại và đặc biệt: lễ rước dâu bằng thuyền hoa trên sông Hồng (Vua Bãi Rác). Nước gợi về những niềm vui tuổi thơ bình dị hồn nhiên: mẹ con nô đùa bên sông, cùng nhau tắm mưa (Tâm Hồn Mẹ), chị em chạy đuổi nhau bên Hồ Gươm (Em Bé Hà Nội). Nước hứa hẹn những khám phá, khởi đầu mới, tượng trưng cho cầu nối đến hạnh phúc (Tết Này Ai Đến Xông Nhà). 

 

Nước như một người bạn gắn bó với đời sống thường nhật. Sông, hồ giống một điểm hẹn tự nhiên, nơi mà bất cứ ai cũng có thể tìm thấy mình trong đó: lúc tập thể dục buổi sớm (Nhà Đối Diện, Cadavre Exquis/Cái Chết Xinh Đẹp), khi đi chơi, hò hẹn chuyện trò (Đêm Hà Nội, Eyes Open/Mở Mắt), những dịp đàn hát (Hanoise). Xen lẫn giữa sự kết nối, tính công cộng ấy, nước cũng mở ra không gian của những hoạt động rất riêng tư, chân sơ bản chất: tắm tiên (At Water’s Edge/Đảo Ngọc), ngủ trưa (In A Green Island), ngơi nghỉ suy tư (Đồng Phục). Cũng có khi, ranh giới đó bị xóa nhòa khi đời sống được xây dựng quanh khu vực sông nước, nơi mà mọi sinh hoạt gắn liền với nước (Gầm Cầu Mặt Nước). Dù là tiền cảnh (khu gầm cầu mênh mang nước với những ngôi nhà tạm) hay hậu cảnh (qua ô cửa sổ của nhân vật em bé ngồi học bài), dù là cảnh cận (dùng nước để tắm cho con) hay cảnh toàn (cúng Hà Bá trên dòng sông đêm lấp lánh), nước đều phát huy vai trò của nó như là sự bắt đầu, nơi diễn ra hay là điểm kết thúc của sự sống.

Nước còn liên quan mật thiết tới cuộc sống mưu sinh. Nước không thể thiếu trong việc làm đồng (Fleuve Rouge/Sông Hồng), trồng sen (Đêm Hà Nội). Nước góp công tạo nên những hàng ăn quán nước (Phố Cổ Hà Nội, Thiếu Phụ Chưa Chồng). Nước còn là điểm tập trung đông người, tạo bối cảnh cho công việc tẩm quất (Vua Bãi Rác), bán báo (Hà Nội Mùa Đông Năm 46), đánh giày (Nước Mắt Thời Mở Cửa).

 

Nước là cầu nối, chương mở đầu của câu chuyện tình yêu.

Từ những con người xa lạ, nhờ dòng chảy của nước, họ kết nối và tìm thấy nhau (At Water’s Edge/Đảo Ngọc). Nước trở thành nơi ghi dấu mọi kỉ niệm hẹn hò của đôi lứa trong những lần đi dạo bên Hồ Gươm (Cô Gái Và Anh Lái Xe), ngồi quán nước ven Hồ Tây (Nước Mắt Thời Mở Cửa), chèo thuyền trên hồ công viên Thống Nhất (Nhịp Sống Hài Hòa) hay ngắm nhìn sông Hồng trải dài dưới ánh hoàng hôn trên cầu Long Biên (Hà Nội, Hà Nội). Nước cũng chứng kiến những rung động đầu tiên của trái tim (Tình Yêu Và Khoảng Cách) hay lắng nghe tâm tư của ai trót va vào tình yêu (Vua Bãi Rác). Sự tinh khiết cùng âm thanh trong trẻo của nước tạo ra một hòa âm lãng mạn, giúp gắn kết tình cảm và thăng hoa cảm xúc (Hát Giữa Chiều Mưa). Và nước cũng ở đó để thấu mọi nỗi đau, khi giọt nước mắt rơi xuống hòa cùng dòng sông cuộn sóng kết lại một cuộc tình tan vỡ (Tết Này Ai Đến Xông Nhà).

 

Nước giữ được sự tinh khiết bởi nó luôn chuyển động. 

Sự vận động tự nhiên tạo hiệu ứng bokeh huyền ảo - một vẻ đẹp lấp lánh của hồ (Phố Cổ Hà Nội, Tình Yêu Và Khoảng Cách). Vẻ đẹp ấy khiến con người muốn ngưng đọng thời gian để ngắm và cảm nhận (Cách Sống Của Tôi, Đêm Hà Nội). Thông qua con mắt của nước, cảnh vật hiện lên đầy chất thơ, mang nét hoài cổ của những tiền tích xa xưa (Hà Nội Trong Mắt Ai, Tàn Thể: Tiền Truyện). Nước như tấm gương phản chiếu, thu lại những vẻ đẹp đời thường nhất của em bé đang kì cọ bên sông (Gầm Cầu Mặt Nước) hay cảnh những người đàn ông trung niên dạo bước trở về nhà sau ngày làm (At Water’s Edge/Đảo Ngọc). 

Nước đẹp bởi trong đó đong đầy cả nhịp sống của thành phố, sự hối hả của đoàn tàu (Eyes Open/Mở Mẳt) hay âm nhạc du đương của kẻ si tình (Hanoise). 

 

Chiếc xích lô trong Cuốc Xe Đêm trôi nhẹ trong màn sương mờ ẩm ướt, vừa làm người ta cảm thấy cái lạnh se se của buổi sớm Hà Nội vừa đem lại nỗi buồn man mác về phận người qua những tấm gương phản chiếu dưới mặt đường. Mưa và sương Hà Nội là những lần chờ đợi – dự báo về nỗi buồn (Mùa Hè Chiều Thẳng Đứng) hay đắm mình trong nỗi buồn, trong làn “nước mắt” của ông trời (Tết Này Ai Đến Xông Nhà, Vua Bãi Rác, Tâm Hồn Mẹ). 

Những trận ngập hay những lần cơn mưa ập đến bất chợt trong phim là các tình huống mà nhiều người Hà Nội có thể liên hệ đến và cảm thấy mình đâu đó trong hơi thở phim. Điển hình như trận lụt lịch sử năm 2008 được đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cùng ekip may mắn ghi lại và đưa vào phim Chơi Vơi chính là kết tinh của những khoảnh khắc rất Hà Nội của nhiều thế hệ lúc bấy giờ. Nước – mưa – sương hay các thể khác của sự biến đổi mang lại nhiều sắc thái và tạo một không gian cảm xúc nền để người xem tựa vào đó và nhìn Hà Nội với một cái nhìn gần gũi hơn.

Cũng có khi, nước đại diện cho thời tiết một cách gián tiếp. Với tính chất đặc trưng theo vùng miền, thời tiết - nước tạo ra những thói quen và chứa đựng lối mòn của cảm xúc. Trong cái nóng bức của mùa hè Hà Nội, bốn hào hai chiếc kem bên bờ hồ không chỉ để giải nhiệt mà còn để hạ hỏa một cô gái đang giận dỗi (Cách Sống Của Tôi). Còn với giới trẻ những năm gần đây thì trà đá và nước sấu lại được nhắc đến như những biểu tượng không chỉ về mùa hè mà còn về sự hàn huyên chia sẻ (MV Cuối Tuần, MV Em Dạo Này, MV Bài Ca Tuổi Trẻ). 

 

Cỡ cảnh

Nước trong điện ảnh được nhìn gần, nhìn xa, nhìn ở đủ các cỡ cảnh phù hợp với từng đối tượng nước. Khi nước xuất hiện với vai trò là bối cảnh (điển hình là sông, hồ) để những câu chuyện tình yêu hay đời sống thường nhật diễn ra, trung cảnh và toàn cảnh thường được sử dụng, nhân vật được đặt ở tiền cảnh và trung tâm: chiếc thuyền đón dâu bồng bềnh qua sông (Vua Bãi Rác), người thiếu nữ giận dỗi trên mặt hồ sóng sánh (Cách Sống Của Tôi) hay ngay như cảnh giặt quần áo, tắm cho con, em nhỏ đứng ăn cơm trên chiếc cầu bắc ngang dòng sông (Gầm Cầu Mặt Nước). Cận cảnh được sử dụng khi phim nhìn sâu vào những ẩn ý trong các thể của nước (Bi, Đừng Sợ!) hay quan sát gần những đôi mắt ướt long lanh (Tết Này Ai Đến Xông Nhà). 

Ánh sáng

Trong phim thời xưa, những cảnh quay cạnh hồ vào ban đêm thường đánh sáng chủ yếu vào nhân vật chính, hay có hiện tượng “sáng mặt ăn tiền” mà lý do chủ yếu là không đủ điều kiện kỹ thuật để tạo sự cân bằng về ánh sáng của bối cảnh mặt nước rộng lớn xung quanh (Cô Gái Và Anh Lái Xe, Tết Này Ai Đến Xông Nhà). Đó cũng là một phần lý do các cảnh ngoại đêm ở sông hồ ít được xuất hiện trên phim ảnh. Chỉ khi về sau này với những thiết bị và kỹ thuật tân tiến hơn, cải thiện độ nhạy sáng, tăng cường khả năng làm sáng ở một bối cảnh rộng, cùng với những sự xử lý kỹ thuật đồng bộ thì những cảnh ngoại đêm ở sông hồ lại mang đến một không gian sáng tạo và thách thức mới cho các nhà làm phim.

Vào thời điểm đèn led tại các nhà hàng quanh hồ bắt đầu trở nên phổ biến, những dải sáng lốm đốm cũng dần xuất hiện trên mặt hồ trong phim (Tình Yêu Và Khoảng Cách). 

Chuyển động máy

Với những phim ở thập niên 90, không khó để nhận thấy kỹ thuật zoom được sử dụng rộng rãi. Zoom in để thấy cảnh các anh bộ đội trên cầu Long Biên xa xăm ra sao, để thấy sự chú ý của mọi người đến cụ Rùa nổi lên mặt nước (Hà Nội 12 Ngày Đêm), hay quan sát biểu tượng của Hà Nội - Tháp Rùa (Hà Nội Mùa Chim Làm Tổ). Điểm hạn chế của kỹ thuật này là tình trạng không hoàn toàn làm chủ về tốc độ khiến các cảnh còn thiếu tinh tế. Điều tương tự cũng xảy ra với những chuyển động máy như dolly hay boom. Về sau, kỹ thuật hiện đại (flycam) đã trợ giúp các nhà quay phim thể hiện ý đồ mượt mà và uyển chuyển hơn với những cảnh toàn sông hồ nhìn từ trên cao (Hà Nội, Hà Nội) hay tạo ra sự nhịp nhàng trong chuyển động máy (gimbal, dolly) khi nhân vật di chuyển trong hình có hậu cảnh là mặt nước sông hồ (Tết Này Ai Đến Xông Nhà).

 

*Một trong những cái khó khi thể hiện nước trên màn ảnh đó là làm sao để ghi lại được thể khí, thể sương. Không khí nồm ẩm, tiết trời mưa phùn hay hơi nồng ấm của nồi nước xông chỉ có thể được cho thấy thông qua những hình ảnh gián tiếp mô tả cảm giác và trạng thái của con người, chứ chưa thể nào ghi lại trực tiếp những hạt ẩm li ti của không khí ấy. 

*Sự nhạy cảm của thiết bị kỹ thuật với nước đòi hỏi ống kính phải có tiêu cự phù hợp để quay những cảnh mưa ở cự ly an toàn cho máy quay. Đây là một lựa chọn mang tính kỹ thuật đặc thù, ảnh hưởng không ít đến yếu tố nghệ thuật của cảnh quay.

 

THỀM NẮNG HẠT MƯA

Phạm Đình Thiện, 2022, 6’22

Phim tái chế/found footage

Xem phim tại đây